Những Lưu Ý Khi Sử Dụng Hóa Chất Để Đảm Bảo An Toàn
Những Lưu Ý Khi Sử Dụng Hóa Chất Để Đảm Bảo An Toàn
Ngày 28-11-2024 Lượt xem 14
Hóa chất đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt và các ngành công nghiệp. Tuy nhiên hóa chất có độc tính cao, gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường. Vì vậy khi sử dụng và bảo quản hóa chất cần tuân thủ theo đúng quy định để đảm bảo an toàn. Những Lưu Ý Khi Sử Dụng Hóa Chất Để Đảm Bảo An Toàn
1. Hóa chất nguy hiểm là gì?
Hóa chất có mặt xung quanh chúng ta ngay từ các vật dụng thân quen, sử dụng hàng ngày như nước rửa bát, bột giặt, dầu gội… đến nhiên liệu vận hành xe cộ, máy móc, các nguyên liệu sản xuất… Có những loại hóa chất ít gây tác động xấu đến con người. Trong khi đó một số loại hóa chất khá là độc hại. Các loại hóa chất nguy hiểm này được phân loại theo nguyên tắc của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất như sau:
Độc hại đến môi trường.
Ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.
Gây biến đổi gen.
Tích lũy sinh học.
Độc với sinh sản.
Gây ung thư hoặc có nguy cơ dẫn đến ung thư.
Gây kích ứng với con người.
Độc mạn tính.
Độc cấp tính.
Dễ cháy.
Dễ nổ.
Ăn mòn mạnh.
Oxy hóa mạnh.
Tuy nhiên các hóa chất đều cần thiết phục vụ nhu cầu của chúng ta nên cần có những quy định, kiểm soát chặt chẽ để việc sử dụng, bảo quản hóa chất đúng cách.
2. Những ảnh hưởng xấu của hóa chất đối với con người
Những ảnh hưởng của hóa chất đến sức khỏe con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độc tính của hóa chất, thời gian tiếp xúc với hóa chất, nồng độ hóa chất, mức độ nhạy cảm của mỗi cơ thể… Các hóa chất có thể gây độc cấp tính khi tiếp xúc trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó có những trường hợp ngộ độc mạn tính do thường xuyên tiếp xúc lặp đi lặp lại nhiều lần… Dù ở thể nào thì chúng cũng gây những tổn thương cho cơ thể. Nếu được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể hồi phục. Thế nhưng cũng có trường hợp tổng thương vĩnh viễn hoặc thậm chí tử vong.Những loại hóa chất gây nguy cơ tử vong cao khi tiếp xúc như xyanua, asen, thủy ngân, cloroform, clo, photgen….
Những tổn thương trên cơ thể mà các loại hóa chất có thể gây ra như là:
– Trên hệ thần kinh:
Hệ thần kinh trung ương là cơ quan rất nhạy cảm của cơ thể, đặc biệt đối với các kim loại nặng và dung môi hữu cơ. Dung môi hữu cơ gây rối loạn vận động, suy nhược thần kinh, viêm dây thần kinh, mất tri giác,…
Các kim loại nặng thường ảnh hưởng nhiều đến thần kinh ngoại biên.
CS2 gây rối loạn tâm thần…
– Trên hệ hô hấp:
Đường hô hấp thường bị kích ứng bởi bụi bẩn, khí độc, khói kim loại, hơi dung môi…
Người lao động làm việc trong môi trường nhiều khói bụi min, cường độ làm việc cao thường dễ bị các hạt bụi đi sâu vào phế nang gây các bệnh phổi nghề nghiệp như bệnh bụi phổi than, bệnh bụi phổi amiang, bụi phổi silic….
Các hóa chất gây kích ứng đường hô hấp: SO2, chất kiềm, nito oxit, formaldehyde…
Hóa chất gây viêm phế quản, tổn thương hô hấp: khí clo, bụi than, SO2…
Hóa chất gây ung thư phổi: Asen, amiang, hợp chất crom, niken, khói thuốc lá…
Hóa chất có thể gây ngạt thở: Cacbon monooxit nồng độ cao, amoniac, hidrosunfua, metyl ete, hydroxyanua…
– Trên hệ tuần hoàn:
Nhiều hóa chất, dung môi hữu cơ gây ảnh hưởng đến hệ tạo máu. Ví dụ như benzen ảnh hưởng đến tủy xương; chì gây cản trở hoạt động tạo hemoglobin ở hồng cầu, gây cản trở vận chuyển oxy trong cơ thể, gây thiếu máu…
– Trên gan: Khi cơ thể tiếp xúc với các dung môi như CCl4, vinyl chloride, clorofom… ở nồng độ cao, trong thời gian dài có thể gây phá hủy nhu mô gan, xơ hóa gan, dẫn đến tử vong.
– Trên mắt: Khi các hóa chất bắn vào mắt hoặc hơi hóa chất tiếp xúc với mắt sẽ gây kích ứng, tổn thương mắt, suy giảm thị lực, mù lòa: các axit mạnh, kiềm mạnh, amoniac,…
– Trên da:
Hóa chất gây kích ứng với da, gây bong tróc, nổi mụn, khô da: nhựa than đá, các hóa chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, epoxy…
Hóa chất gây lở loét, viêm da, ung thư da: axit, kiềm mạnh, vôi, dung môi hữu cơ, thuốc nhuộm, mực in, sơn, asen, amiang, crom…
– Trên hệ sinh sản: Nhiều hóa chất gây độc tính trên sinh sản, gây ảnh hưởng đến thai nhi, gây dị tật thai nhi. Khi người mẹ tiếp xúc với thủy ngân, các dung môi hữu cơ, thalidomide có thể gây dị tật trên thai nhi.
– Trên vật chất di truyền: Theo nghiên cứu một số hợp chất như dioxin, benzen, vinylchlorid… có thể gây biến đổi gen, ảnh hưởng đến di truyền cho các thế hệ sau. Những người nhiễm độc dioxin thì con sinh ra dễ bị quái thai hay mắc các khuyết tật.
– Đối với môi trường sống: Hóa chất còn ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Khi các hóa chất thấm vào đất, nước, khuếch tán vào không khó sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống, sự phát triển của động, thực vật; ăn mòn máy móc, ảnh hưởng đến năng suất mùa màng…
3. Lưu ý an toàn khi sử dụng, bảo quản hóa chất
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng hóa chất cần lưu ý những quy tắc:
Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng để biết cách sử dụng hợp lý, nhất là đối với các hóa chất cực độc. Không tự ý trộn lẫn các loại hóa chất với nhau. Nếu kết hợp cần căn chỉnh đúng tỷ lệ.
Không được ngửi, nếm hóa chất. Nếu cần xác định mùi hóa chất cần để hóa chất ở khoảng cách an toàn, tránh hóa chất xộc thẳng vào mũi, gây kích ứng, sốc, ngất…
Đảm bảo sự thông khí khi sử dụng hóa chất: Khi sử dụng các loại hóa chất cần đảm bảo không gian thông thoáng, có quạt thông gió để làm giảm nồng độ hóa chất độc hại trong không khí…
Mỗi chai, lọ hóa chất cần dán nhãn để phân biệt rõ ràng với các loại hóa chất khác, ngăn ngừa các tai nạn xảy ra khi sử dụng nhầm lẫn hóa chất. Đồng thời khi nhìn vào nhãn ta biết được hóa chất đó là gì, các cảnh báo nguy hiểm, nồng độ và những yếu tố cần tránh.
Không lạm dụng hóa chất: Chỉ sử dụng hóa chất khi cần thiết với lượng vừa đủ. Ví dụ với những loại hóa chất tẩy rửa hàng ngày như nước rửa bát, dầu gội, sữa tắm… có thể chuyển sang các nguyên liệu tẩy rửa thiên nhiên lành tính, hạn chế tác hại của các hóa chất đến cơ thể.
Tuân thủ các quy định an toàn (SOP) khi sử dụng, xử lý, thải bỏ đúng cách. Cần sử dụng đúng mục đích, liều lượng và hướng dẫn ghi trên bao bì để đảm bảo an toàn và có hiệu quả các loại hóa chất.
Khi sử dụng hóa chất cần được trang bị đầy đủ trang phục, thiết bị bảo hộ như khẩu trang, kính bảo hộ, bao tay, ủng, quần áo bảo hộ… để tránh tiếp xúc trực tiếp, hoặc hít phải hơi hóa chất, ngăn ngừa các sự cố từ hóa chất gây ra.
Khi sử dụng hóa chất xong cần vệ sinh tay, cơ thể để tránh hóa chất gây xâm nhập vào cơ thể.
4. Lưu ý khi bảo quản hóa chất
Không chỉ khi sử dụng mà chúng ta cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong bảo quản hóa chất để đảm bảo an toàn:
Khi sử dụng xong hóa chất cần đậy nắp can, lọ cẩn thận.
Khu vực bảo quản thông thoáng, khô ráo, tránh ẩm ướt, tránh ánh nắng trực tiếp, cách xa các nguồn nhiệt, hóa chất dễ gây cháy. Không được hút thuốc tại khu vực lưu trữ hóa chất.
Đối với các hóa chất đặc biệt cần có những khu vực bảo quản riêng, tuân thủ đúng quy định. Cần lưu trữ riêng, có khoảng cách an toàn ở những loại, nhóm hóa chất có khả năng tương thích với nhau.
Các kho bảo quản cần trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy, hệ thống báo cháy, báo khói và các biển báo cảnh báo.
Trường hợp rò rỉ hóa chất cần nhanh chóng xử lý hóa chất theo đúng quy trình. Trong trường hợp nghiêm trọng cần có sự hỗ trợ từ các chuyên gia để thu hồi, làm sạch hóa chất.
Hóa chất đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Chính vì vậy cần tuân thủ các quy tắc để đảm bảo an toàn trong sử dụng và bảo quản hóa chất.
Hóa Chất Hải Đăng – Thương Hiệu Uy Tín Trong Lĩnh Vực Hóa Chất
Hóa Chất Hải Đăng tự hào là một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp hóa chất chuyên dụng tại Việt Nam. Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động, chúng tôi cam kết mang đến những giải pháp tối ưu cho các nhu cầu hóa chất của khách hàng trên toàn quốc